Chiều ngày 8/1/2022, 56 học viên tại khu vực phía Nam bao gồm nhà máy Cát Vạn lợi đã được Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (trực thuộc Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) trao chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo tư vấn viên, tư vấn cải tiến sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo đại diện của Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (IDCS), tiếp nối thành công của 12 khóa đào tạo trong 3 năm 2018 - 2020 trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Điện tử Việt Nam, với hơn 300 tư vấn viên Việt Nam được đào tạo bài bản và 56 doanh nghiệp được tư vấn cải tiến nâng cao năng suất chất lượng. Năm 2021 IDCS đã tổ chức thành công 2 khóa đào tạo với 56 học viên đã hoàn thành được cấp chứng nhận, bổ sung thêm nguồn nhân lực cho công cuộc phát triển công nghiệp của Chính phủ.
“Những khóa đào tạo này triển khai dựa trên quy trình tư vấn đã được Samsung áp dụng rất thành công gồm: Đánh giá tình hình hoạt động và kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; Tư vấn cải tiến, đổi mới sản xuất, quản lý chất lượng và lưu thông hàng hóa, cải thiện và duy trì môi trường làm việc (5S3D), tăng năng suất lao động nhằm mục tiêu tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tham gia và tham gia sâu vào chuổi cung ứng toàn cầu”- đại diện của IDCS cho biết.
Phát biểu tại lễ tổng kết chương trình “Hỗ trợ đào tạo chuyên gia tư vấn cải tiến sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến - chế tạo tại khu vực phía Nam” chiều 8/1, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết: Xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt quyết định thành công của chương trình phát triển công nghiệp, chương trình hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như chuyên gia tư vấn cải tiến sản xuất, chuyên gia kỹ thuật khuôn mẫu, chuyên gia kỹ thuật phát triển nhà máy thông minh với sự phối hợp của chuyên gia đến từ Công ty TNHH Samsung Điện tử Việt Nam là nội dung được ưu tiên triển khai liên tục trong những năm qua và mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp khi tham gia chương trình này.
Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp phát biểu tại lễ tổng kết
Theo ông Ngô Khải Hoàn, năm 2021 do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều chương trình đã phải hoãn hủy, tuy nhiêm với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Cục Công nghiệp và sự nỗ lực của IDCS, chương trình đã hoàn thiện với 56 tư vấn viên hoàn thành chương trình được cấp chứng nhận. Đây là nguồn lực hữu ích cho quá trình triển khai các chương trình phát triển công nghiệp của Chính phủ.
“Cục Công nghiệp ghi nhận và đánh giá cao sự tin tưởng, đồng hành của các doanh nghiệp, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp sẽ các nhân tố tích cực lan tỏa làn sóng cải tiến, đổi mới trong sản xuất, kinh doanh đến cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong khu vực, từ đó cùng đưa công nghiệp hỗ trợ trong nước cùng phát triển”- ông Ngô Khải Hoàn nhấn mạnh.
Ông Lê Mai Hữu Lâm – Tổng giám đốc công ty cổ phần sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi chia sẻ: Việt Nam đang trên con đường hội nhập thương mại hóa quốc tế. Việc nắm bắt cơ hội từ sự hỗ trợ từ Cục Công Nghiệp, được các chuyên gia về cải tiến sản xuất trong và ngoài nước tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cũng được tạo điều kiện kết nối và gặp gỡ bên mua trong và ngoài nước do Cục Công nghiệp tổ chức chính là chiếc chìa khóa quan trọng giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước nói chung và Cát Vạn Lợi nói riêng có thêm nhiều động lực cũng như sự tự tin khi chuẩn bị tâm thế để bước ra cánh cửa hội nhập với thế giới, nhằm nâng cao vị thế và phát triển hơn nữa trong tương lai gần.
Ông Lê Mai Hữu Lâm - Tổng giám đốc Công ty CPSX Thiết Bị Điện CN Cát Vạn Lợi chia sẻ tại buổi lễ
Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp trao chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo cho các học viên.
Follow Us